Đến xã đầu tiên của Mù Cang Chải đón chuẩn nông thôn mới, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh đồng bậc thang tựa như những nấc thang vút lên tận trời hay Khu du lịch Ecolodge với không gian trong lành, những cánh rừng sơn tra trĩu quả mà còn được thỏa mình ngắm “rừng” hoa hồng bạt ngàn hoa nơi non cao.
Có lẽ, đây là năm đầu tiên mà người dân ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cảm nhận và đón xuân đến sớm trên khắp các làng bản, núi rừng. Một năm với bao dấu ấn không thể nào quên với đồng bào nơi đây khi xã đầu tiên của huyện đón chuẩn nông thôn mới.
Giờ đây, đến Nậm Khắt, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng những cánh đồng bậc thang tựa như những nấc thang vút lên tận trời hay Khu du lịch Ecolodge với không gian trong lành, mát mẻ và những con người chân chất, thân thiện của miền sơn cước, những cánh rừng sơn tra trĩu quả, mà còn được thỏa mình ngắm “rừng” hoa hồng bạt ngàn hoa nơi non cao. Hoa hồng không chỉ tạo nên điểm nhấn, sắc màu khi nhắc đến Nậm Khắt mà còn là hướng đi mới để người dân nơi đây thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Với gia đình ông Giàng A Lừ ở bản Nậm Khắt mùa xuân này vui hơn trước đây. Bởi lẽ, ông có tiền mua xe máy, đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, gia cầm… đều từ tiền cho thuê đất và làm công nhân cho Hợp tác xã (HTX) Hoa hồng Nậm Khắt. “Nhà tôi có 4.500 m2 đất liên kết với HTX để trồng hoa, được trả tiền trước và tôi được nhận vào làm công nhân nên cuộc sống của gia đình đã khá lên nhiều”.
Còn gia đình chị Thào Thị Tồng, để đón một cái tết đầm ấm và hạnh phúc, chị đã sắm sửa thêm nhiều vật dụng mới đắt tiền và nhiều thứ hàng hóa khác cho ngày tết.
Chị cho hay: “Tất cả những thứ vừa mua đều nhờ vào chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang liên kết với HTX Hoa hồng Nậm Khắt để trồng hoa”. Nhà chị có gần 10.000 m2 đất lúa và trước đây trồng lúa thu nhập khá bấp bênh, nhưng từ năm 2019 được HTX Hoa hồng Nậm Khắt đặt vấn đề thuê đất, liên kết để trồng hoa với giá 35 triệu đồng/ha. Ngoài tiền cho thuê ruộng, chị còn được HTX nhận vào chăm sóc hoa nên thu nhập cũng nhiều hơn trước. Từ đây, gia đình chị thoát khỏi hộ nghèo và sẽ tập trung nghĩ cách làm giàu.
Ông Lý A Cở cùng ở bản Nậm Khắt cũng không giấu nổi niềm vui: “Cùng với ruộng bậc thang, hoa hồng sẽ làm cho quê mình đẹp hơn và sẽ được nhiều người biết đến hơn”.
Người đưa giống hoa hồng lên vùng cao Nậm Khắt là anh Nguyễn Xuân Thiện, hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa hồng Nậm Khắt. Theo anh Thiện, vùng đất này có khí hậu và thổ nhưỡng hợp với trồng hoa và rau màu nên anh đã quyết định đưa “bí quyết”, kinh nghiệm trồng hoa hồng ở Vĩnh Phúc, Hà Nội lên thử nghiệm trên vùng đất mới. Nói là làm.
Với hình thức thuê, liên kết đất của người dân, tháng 12/2019, anh Nguyễn Xuân Thiện và các thành viên đã thành lập HTX Hoa hồng Nậm Khắt với diện tích lên tới hàng chục ha; trong đó, 15 ha trồng hoa hồng, hoa cúc và 3 ha trồng rau sạch. Đất không phụ công người, đến nay, 15 ha hoa hồng và 3 ha tỏi đã cho thu hoạch, với tổng doanh thu đạt hàng tỷ đồng.
Nói là vậy, nhưng để có được những bông hoa hồng tươi đẹp, nở trên non cao đâu phải chuyện dễ, nhất là với địa hình của một xã vùng cao như Nậm Khắt có khí hậu khá khắc nghiệt.
– Với đặc thù xã vùng cao, đất manh mún, không bằng phẳng, HTX làm thế nào để có được hàng chục héc-ta đất để trồng hoa? Tôi hỏi.
– Lúc đầu khó khăn lắm, nhưng với quyết tâm đưa giống hoa hồng về với đồng bào nhằm làm thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, chúng tôi đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân cho thuê, liên kết đất – anh Thiện đáp lời.
– Vậy, hình thức thuê đất và liên kết với người dân như thế nào?
– Chúng tôi ký hợp đồng với người dân 10 năm một với giá 35 triệu đồng/ha/năm, tương đương với 5 tấn thóc. Đồng bào không phải làm lúa mà vẫn có tiền. Ngược lại, HTX còn thuê họ làm nhân công chăm sóc hoa với mức lương 130.000 đồng/ngày. So với trồng lúa, mỗi héc – ta trồng hoa sẽ cho thu nhập cao gấp 30 – 35 lần. Hơn nữa, việc trồng hoa cũng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương có mức thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng – anh Thiện cho hay.
Với cách làm hợp với lòng dân, đến nay, HTX Hoa hồng Nậm Khắt thuê gần 20 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của hơn 80 hộ ở bản Nậm Khắt chuyển sang trồng hoa. Từ đây, người dân không phải lo bám ruộng, lo mất mùa như trước nữa, mà thay vào đó là liên kết, hợp tác cùng nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất, nâng cao giá trị canh tác trên cùng một đơn vị diện tích, tạo thu nhập và việc làm ổn định lâu dài cho chính họ. Hoa hồng đã nở, hàng trăm hộ dân được liên kết hợp tác sản xuất với HTX Hoa hồng Nậm Khắt đã được hưởng lợi.
Cuộc sống ấm no của đồng bào nơi đây đang được hiện hữu trong từng nếp nhà. Sau thành công trồng hoa hồng, xã Nậm Khắt tiếp tục được huyện Mù Cang Chải tạo điều kiện cho triển khai trồng 30 ha hồng không hạt và nhiều loại cây hoa màu khác. Ông Thào A Phềnh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi vận động, kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân hiểu để liên kết với các HTX, nhà đầu tư chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mở rộng diện tích trồng hoa hồng và hồng không hạt cho thu nhập và tạo việc làm ổn định lâu dài”.
Tưởng như nơi đây còn bộn bề khó khăn, nhưng thực tế lại ẩn chứa trong đó nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế – xã hội. Nậm Khắt đã làm được điều đó, khi các thế mạnh của địa phương được khơi thông thành dòng chảy kinh tế với Khu du lịch Ecolodge; du lịch hang động, tắm suối khoáng nóng, du lịch cảnh quan cùng những nông sản đặc hữu như sơn tra, chè Shan, hồng giòn không hạt, hành, tỏi và hoa hồng. Đặc biệt, năm 2020, Nậm Khắt hoàn thành 19/19 tiêu chí và đón chuẩn nông thôn mới, được ví là “kỳ tích” trên núi.
Đó chính là thành quả của cả hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Mùa xuân mới đang về trên mọi vùng quê đất Việt. Với đồng bào ở Nậm Khắt, xuân Tân Sửu 2021 càng vui hơn, hạnh phúc hơn khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoa hồng Nậm Khắt đã nở – báo hiệu mùa xuân no ấm với đồng bào nơi đây.
Văn Tuấn