Trồng hoa mang lại thu nhập cao ở vùng đất khó Mù Cang Chải

Mô hình trồng hoa của hộ gia đình anh Trần Văn Vĩ ở xã Nậm Khắt

CTTĐT – Cánh đồng hoa hồng nằm ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cách trung tâm huyện khoảng hơn bốn chục km. Đây được mệnh danh là cánh đồng hoa lung linh sắc màu, đẹp và lớn nhất ở nơi rẻo cao của huyện Mù Cang Chải.

Mô hình trồng hoa của hộ gia đình anh Trần Văn Vĩ ở xã Nậm Khắt
Mô hình trồng hoa của hộ gia đình anh Trần Văn Vĩ ở xã Nậm Khắt

Ít ai nghĩ rằng, giữa vùng non cao huyện Mù Cang Chải lại có một cánh đồng hoa rộng lớn với nhiều loại hoa khoe sắc. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán năm nay, cánh đồng hoa ở xã Nậm Khắt -huyện Mù Cang Chải tiếp tục trồng nhiều loại hoa đẹp để cung cấp cho khách hàng đón xuân. Những ngày nay, các loại hoa hồng đang dần phủ kín các sườn đồi tạo cho nơi đây khung cảnh nên thơ, hùng vĩ như ở xứ sở thần tiên. Nằm trên độ cao 1.400m, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm 17-18oC. Trước đây, Nậm Khắt vốn là vùng đất khó, chỉ canh tác được một vụ lúa, dẫn tới thu nhập của người nông dân thấp. Một vài năm trở lại đây, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có nhiều đột phá trong tư duy sản xuất nông nghiệp khi chủ động đưa một số cây trồng mới vào sản xuất. Đặc biệt, trồng hoa là mô hình phát triển kinh tế tiên phong, được đánh giá cao về hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường mà xã đang khuyến khích, nhân rộng.

Năm 2019, gia đình anh Nguyễn Văn Mùi ở Bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư mua giống hoa tại Đà Lạt và trồng thử nghiệm 3,4 ha hoa hồng các loại, nhờ chịu khó học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên ra hoa to đẹp. Năm 2022, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích lên 7,5 ha, trong đó 20 vạn gốc hoa hồng, 10 vạn gốc hoa cát tường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vườn hoa nhà ông tạo việc làm cho khoảng 50 người lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Anh Mùi cho biết: Trồng hoa phải có kỹ thuật mới trồng được. Nhận thấy thời tiết ở đây rất thích hợp với trồng hoa nên gia đình tôi đã mạnh dạn trồng và đạt được kết quả cao. Các loại hoa được xuất bán đi các tỉnh bạn. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng thu nhập vài trăm triệu đồng, tạo thêm thu nhập cho bà con trong xã.

Hộ gia đình anh Trần Văn Vĩ đến từ xã Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã mạnh dạn lên Nậm Khắt để đưa hoa hồng đến vùng đất khó. Năm nay gia đình anh Vĩ trồng 10 vạn gốc hồng, trung bình doanh thu đạt 300 – 500 triệu đồng/năm. Vườn hoa của gia đình anh cũng đã tạo việc làm cho khoảng 20 đến 30 nhân công với mức thu nhập khá ổn định.

Trước đây, Chị Lý Thi Chư ở xã Nậm Khắt phải đi làm thuê ở các tỉnh bạn, từ khi có các hộ trồng hoa hồng, chị xin làm thuê chăm sóc, cắt tỉa hoa tại địa phương nên cuộc sống gia đình ổn định hơn. Chị Chư chia sẻ: Từ khi có hợp tác xã trồng hoa, các hộ trồng hoa ở xã, mình cũng được tham gia, được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc hoa, nhờ đó mà cuộc sống của mình ổn định hơn, mình mong hợp tác xã và các hộ trồng hoa trong xã tiếp tục mở rộng diện tích để mình có việc làm ổn định, cuộc sống dần khá hơn.

Trồng hoa hồng ở Nậm Khắt là mô hình liên kết, nằm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải. Nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn lựa những đối tượng cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thông qua các hợp tác xã triển khai áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đã biến những cánh đồng vốn chỉ trồng lúa một vụ thành những cánh đồng trồng hoa cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đến nay, toàn xã có trên 50 ha hoa, cung ứng ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Việc trồng hoa với mục đích cải tạo vùng đất khô cằn nơi vùng cao Nậm Khắt – huyện Mù Cang Chải trở thành vùng sinh thái mát mẻ sẽ tạo ấn tượng và thu hút du khách thập phương đến với nơi đây, góp phần phát triển du lịch vùng cao Mù Cang Chải. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng cộng với những thảm hoa đẹp như xứ sở thần tiên chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Lan Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *